image banner

 

CHỦ ĐỀ NĂM 2025 "TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI -

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU - THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ"

CHÙA CẨM LA – DI TÍCH LỊCH SỬ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Lượt xem: 325
Làng văn hoá Cẩm La có một ngôi chùa từ rất lâu đời là Phúc Hưng Tự. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, năm 1927 chùa đã được nhân dân đóng góp nhân tài, vật liệu, trùng tu lại và trở thành ngôi tam bảo to đẹp nhất khu vực đường 10. Dân gian có câu “Đức ông chùa La, đức Bà chùa Cống”. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, toàn bằng gỗ lim thuận chồng đấu sen, hoành rui ngói mũi. Nội thất chùa được bố trí đầy đủ, Tượng pháp, đồ thờ phật rất trang nghiêm và có xây dựng tháp chuông. Ngoài ngôi tam bảo còn có 5 gian nhà tổ bằng gỗ, có các công trình phụ trợ đầy đủ. Hàng năm cứ đến ngày Phật đản 8/4 âm lịch, chùa mở hội; ngày 15/10 âm lịch là ngày giỗ tổ, toàn dân đến chùa làm lễ dâng hương và dùng cơm chay tại chùa.

Làng văn hoá Cẩm La, xã Tự Cường có một ngôi chùa từ rất lâu đời là Phúc Hưng Tự. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, năm 1927 chùa đã được nhân dân đóng góp nhân tài, vật liệu, trùng tu lại và trở thành ngôi tam bảo to đẹp nhất khu vực đường 10. Dân gian có câu “Đức ông chùa La, đức Bà chùa Cống”. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, toàn bằng gỗ lim thuận chồng đấu sen, hoành rui ngói mũi. Nội thất chùa được bố trí đầy đủ, Tượng pháp, đồ thờ phật rất trang nghiêm và có xây dựng tháp chuông. Ngoài ngôi tam bảo còn có 5 gian nhà tổ bằng gỗ, có các công trình phụ trợ đầy đủ. Hàng năm cứ đến ngày Phật đản 8/4 âm lịch, chùa mở hội; ngày 15/10 âm lịch là ngày giỗ tổ, toàn dân đến chùa làm lễ dâng hương và dùng cơm chay tại chùa.

Về khuôn viên và diện tích cấy trồng, chùa được dân làng cúng hiến 6 mẫu ruộng và 3 mẫu nội tự, trước đây có trâu cày và người giúp việc cho nhà sư trụ trì bảo đảm sinh hoạt bình thường.

Trước, trong và sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã có nhiều sự việc đáng nhớ diễn ra ở chùa. Năm 1944 nhà chùa được hội tăng già cứu quốc giới thiệu 1 nhà sư về chủ trì thay nhà sư cũ chuyển đi nơi khác, nhà sư mới về làm cho nhà chùa sầm uất hơn. Ngoài việc tụng kinh niệm Phật và trông coi chùa nhà sư còn tranh thủ dạy chữ quốc ngữ cho các em nhỏ trong làng và phổ biến ca dao hò vè cho dân làng có cả nội dung đánh Tây đuổi Nhật, có 1 số các cụ cao niên hiện nay đã chứng kiến và vẫn còn ghi nhớ. Trước tháng 8/1945, Nhà sư tự bỏ đi không hiểu lý do gì, mãi đến sau ngày 19/8/1945, cách mạng thành công các cụ trong làng mới biết, nhà sư là cán bộ Việt Minh nương nhờ cửa Phật để hoạt động cách mạng, sau đó nhà sư không về nữa và cũng không để lại bút tích gì.

Anh-tin-bai

Sau cách mạng tháng Tám thành công chính quyền được thành lập. Ngôi chùa làng được ông Pháp Chen tự nguyện thủ nhang.

Năm 1946, thực dân Pháp gây hấn tại Hải Phòng, Kiến An, mặt trận khu B được thành lập dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban kháng chiến liên tỉnh Hải - Kiến, quân và dân ta chiến đất rất dũng cảm. Ngôi chùa làng Cẩm La lại được cấp trên lấy làm nơi đón tiếp thương binh, liệt sỹ từ mặt trận gửi về theo đường dây Kiến An qua xã Tân Dân, Quốc Tuấn vượt sông Văn Úc về chùa Cẩm La vì nơi đây xa Quốc lộ 10. Thương binh chuyển lên bệnh viện dã chiến tại đình làng Mỹ Khê, trong đó có đồng chí Nguyễn Công Ba do vết thương quá nặng nên đã hy sinh tại chùa làng Cẩm La. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp diễn về Kiến An theo Quốc lộ 10. Cuối năm 1946, đầu năm 1947, hai xã Tự Cường và Đại Thắng có Quốc lộ 10 đi qua cho nên Chính phủ quyết định hai xã thực hiện tiêu thổ kháng chiến (thực hiện vườn không nhà trống), làm cho địch không có chỗ dựa. Như vậy đình, chùa, miếu mạo, nhà cửa của nhân dân đều phải dỡ bỏ. Nhân dân hai xã Tự Cường, Đại Thắng bỏ đất, bỏ làng đi tản cư vào hậu phương, chùa làng Cẩm La lại được dỡ bỏ đầu tiên.

Anh-tin-bai

Cổng chùa Phúc Hưng (thôn Cẩm La)

Nhân dân hai xã đi tản cư từ năm 1947 đến năm 1949 (3 năm), do cuộc kháng chiến trường kỳ nhân dân lại được Nhà nước vận động về hồi cư, bám đất, khai hoang, phục hoá xây dựng cơ sở vùng hậu địch. Mặc dù đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã làm tốt được nhiệm vụ giúp đỡ các cơ quan, các cán bộ của tỉnh, huyện hoạt động bí mật phục vụ kháng chiến. Năm 1949 – 1950 – 1951, làng Cẩm La là cơ sở của văn phòng tỉnh uỷ Kiến An, huyện uỷ Tiên Lãng cùng một số xã bạn như xã Tân Viên, xã Quốc Tuấn, thuộc huyện An Lão, xã Quyết Tiến, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng.

Ngôi chùa làng trong 3 năm tản cư không có người ở cây cối mọc um tùm chỉ còn 1 gian hậu cung. Diện tích nội tự 3 mẫu có vị trí ẩn nấp tốt, sau chùa có con kênh chảy ra cống La, cách sông Văn Úc khoảng 500m, bên cạnh đó có bãi cói, lau sậy rất rậm rạp. Cơ quan giao thông và bộ đội Núi Voi, huyện An Lão lấy làm căn cứ đóng quân, đào hầm bí mật để bảo vệ cán bộ, bộ đội khi địch vây càn. Ban ngày ăn ở tại chỗ, ban đêm trạm giao dẫn cán bộ, bộ đội về An Lão hoạt động; dẫn cán bộ và thanh niên xung phong đi bộ đội từ hậu địch An Lão ra hậu phương qua căn cứ chùa Cẩm La. Có những lúc hàng mấy chục người vượt sông Văn Úc về chùa ăn ở, trú ẩn đến đêm hôm sau tiếp tục vào hậu phương để nhận nhiệm vụ. Có khi đường giao thông bị tắc do địch phục kích, cán bộ và bộ đội phải nằm lại một vài ngày nhưng vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối vì hệ thống hầm bí mật quanh chùa rất tốt, lại được nhân dân hết lòng bảo vệ. Suốt trong 3 năm, mặc dù có những lúc địch vây càn quét rất ác liệt hòng phá vỡ cơ sở của ta, thậm chí còn bắt bớ thanh niên, đánh đập rất dã man, bắn chết dân thường, hòng khủng bố, gây hoang mang, chia rẽ giữa nhân dân và cán bộ, bộ đội của ta. Trong 3 năm, địch đã bắn chết 7 người, nhưng nhân dân ta kiên quyết giữ bí mật để bảo vệ cơ sở được an toàn, mãi đến cuối năm 1952, địch xây đồn bốt (hệ thống lô cốt boong ke) trên bờ sông, các cơ quan chuyển sang Tứ Kỳ – Hải Dương.

Hiện chùa Cẩm La, xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng là một danh lam thắng cảnh của địa phương, trong chùa lưu giữ được nhiều di vật, bia ký có giá trị. Chùa được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử cấp Thành phố ngày 05/9/2012.

Có dịp đến Tự Cường, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh chùa Phúc Hưng, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

VHXH 1

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới